Lễ Giáng Sinh được nhiều trẻ em yêu thích nhưng chưa hiểu rõ về ngày này. Hãy cùng Clever Junior tìm hiểu về ý nghĩa ngày Giáng Sinh với bài viết này nhé!
Jingle Bells, Jingle Bell, Jingle all the way… Âm thanh và không khí của lễ Giáng Sinh đã đến rất gần rồi. Hãy giúp bé hiểu rõ ý nghĩa ngày Giáng Sinh bên cạnh các hoạt động chúc mừng, vui chơi ngày lễ với bài viết dưới đây của Clever Junior nhé!
Nguồn gốc của ngày Giáng Sinh
Lễ Thiên Chúa Giáng Sinh hay lễ Giáng Sinh là lễ kỷ niệm ngày Chúa Jesus ra đời của những người theo đạo Thiên Chúa (hay còn gọi là đạo Cơ Đốc). Ngoài hai tên gọi trên, chúng ta thường hay sử dụng những tên khác để nói về ngày lễ này như Christmas, Xmas hay Noel. Trong tiếng Pháp, Noel được bắt nguồn từ từ gốc là Emmanuel, có ý nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Thực chất thì từ Christmas được ghép bởi 2 từ: là từ “Christ” (danh vị của Chúa Jesus – Đấng được xức dầu để làm vua) và “Mas” (Viết tắt của mass – có nghĩa là thánh lễ thờ phượng Thiên Chúa). Vì vậy, Christmas mang nghĩa là ngày lễ của Đấng Christ và là mùa kỷ niệm sự giáng sinh của Đức Chúa Jesus – Đấng Cứu Thế của cả nhân loại chúng ta.
Trong tiếng Hy Lạp, chữ Christ được viết là Christos, Xristos hoặc Xpiơtós nên người ta thường dùng phụ âm X mang ý nghĩa tượng chưng cho từ Xristos và Xpiơtós, và người Hy Lạp thêm chữ “Mas” vào để tạo thành chữ Xmas. Vì vậy, từ Xmas cũng mang ý nghĩa giống như từ Christmas.
Qua thời gian, mùa lễ Giáng sinh trở nên quen thuộc kể cả đối với những người không theo Thiên Chúa Giáo (Cơ Đốc Giáo), được biết đến nhiều với hình ảnh ông già Noel và cây thông.
Mỗi quốc gia sẽ có ngày ăn mừng lễ Giáng Sinh khác nhau. Một số nước ăn mừng vào tối 24/12, một số nước lại ăn mừng vào 25/12. Theo lịch của người Do Thái thì thời điểm bắt đầu ngày mới là hoàng hôn chứ không phải vào 0 giờ đêm. Do đó, ngày Giáng Sinh tại đây được cử hành chính thức vào 25/12 hàng năm nhưng người dân sẽ chúc mừng nhau từ tối ngày 24/12.
Ngày 25/12 được gọi là Lễ chính ngày, còn đêm 24/12 được gọi là Lễ vọng. Lễ vọng thu hút đông đảo người tham dự hơn Lễ chính ngày. Vào đêm ngày Lễ vọng, các thánh đường hoặc mỗi gia đình đều trang trí hang đá cùng với máng cỏ, bên trong chứa tượng Chúa Hài đồng và tượng Đức Mẹ Maria. Bao quanh đó sẽ là các thiên thần, Chúa Jesus và những chú lừa,…
Bên cạnh đó, những người theo Chính Thống giáo Đông phương lại sử dụng lịch Julian để xác định ngày tổ chức Giáng Sinh là ngày 7/1 theo lịch Gregory.
Ý nghĩa ngày Giáng Sinh
Ngoài ý nghĩa về tôn giáo, ngày Giáng Sinh còn là ngày mà các thành viên trong gia đình sum họp và cùng chia sẻ với nhau niềm vui buồn trong một năm đã qua.
Qua mỗi năm, đến này lễ Giáng Sinh được tổ chức theo nhiều cách khác nhau, có thể dưới hình thức sum họp gia đình hoặc các bữa tiệc vui vẻ của bạn bè hoặc những buổi trang trí nhà cửa cùng nhau với cây thông và các đồ trang trí màu sắc.
Ngày Giáng Sinh đã trở thành lễ diệu kỳ trong ký ức của trẻ nhỏ, là ngày mà các bé có thể cầu nguyện và chờ đón phép màu từ chính những người trong gia đình. Không chỉ với trẻ nhỏ, nhiều người lớn vẫn chờ đợi ông già Noel với những phép màu trong cuộc sống hiện đại và vội vã.
Một số biểu tượng của lễ Giáng Sinh
Những biểu tượng Giáng Sinh ắt hẳn đã quen thuộc với các bé. Để hiểu sâu sắc ý nghĩa ngày Giáng Sinh, hãy cùng Clever Junior điểm lại những hình ảnh nổi bật của ngày Giáng Sinh dưới đây một lần nữa nhé!
Ông già Noel
Hình ảnh Ông già Noel hay thánh Nicholas được bắt đầu từ thế kỷ thứ 4 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thánh Nicholas được ca tụng là người yêu trẻ em và hào phóng. Vào thế kỷ 16, trẻ em ở Hà Lan thường đặt những đôi giày gỗ của mình cạnh chiếc lò sưởi với hy vọng sẽ được thánh Nicholas thết đãi no nê.
Vào năm 1882, Clement Clarke Moore đã viết bài hát A Visit From St. Nick và xuất bản với tên gọi The Night Before Christmas, hình ảnh của ông già Noel với bộ đồ màu đỏ đã được hiện đại hoá lúc này.
Thiệp Giáng Sinh
Những tấm thiệp ngày Noel được bắt đầu từ năm 1843, khi ông Henry Cole – một thương gia ở Anh đã nhờ một hoạ sĩ thiết kế thiệp để tặng bạn bè. Thời gian sau đó, trào lưu này đã được mở rộng ra Đức, Mỹ và toàn thế giới như hiện nay.
Món quà Giáng Sinh
Những món quà Giáng Sinh thể hiện tình yêu của con người với người thân và bạn bè. Với nhiều người, quà Giáng Sinh mang ý nghĩa tâm linh, đó là kỷ niệm Chúa Jesus đã tới với con người.
Vòng lá mùa vọng
Vòng lá mùa vọng được kết bằng cành xanh và được đặt trên cao, ví dụ như ở bên ngoài cửa nhà. Màu xanh lá thể hiện niềm hy vọng của Đấng Cứu Thế đến với con người. Ngoài ra, vòng lá thể hiện tình yêu vĩnh hằng của Chúa với con người.
Gậy kẹo sắc màu
Những chiếc kẹo gậy màu sắc được bắt nguồn từ một người làm kẹo ở Ấn Độ. Hình ảnh của kẹo gậy khiến ta liên tưởng đến hình ảnh cây gậy của người chăn cừu, thể hiện rằng Chúa Jesus đã dẫn dắt loài người. Chiếc kẹo gậy này khi được lật ngược lại cũng có hình của chữ J, là chữ cái đầu trong tên của Chúa Jesus.
Ngôi sao Giáng Sinh – Ngôi sao Bethlehem
Ngoài những hình ảnh trên, ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh ngôi sao Giáng Sinh 5 cánh. Ngôi sao này có kích thước lớn và được đặt ở nơi cao nhất tại tháp chuông nhà thờ hoặc trên đỉnh của cây thông. Nó cũng trở thành hình ảnh ý nghĩa trong mùa Giáng Sinh, tượng trưng cho ngôi sao Bethlehem nơi Chúa Jesus sinh ra, là ánh sáng dẫn đường và phép màu của Thiên Chúa.

Tổng kết: Hình ảnh của ngày Giáng Sinh luôn lấp lánh và ấm áp đối với tất cả chúng ta. Qua bài viết trên, Clever Junior hy vọng rằng các con đã hiểu rõ hơn về nguồn gốc cũng như ý nghĩa ngày Giáng Sinh. Chúc các bạn nhỏ có thêm một mùa Giáng Sinh vui vẻ và hạnh phúc bên cạnh gia đình!
Tham khảo thêm: